Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Vải thiều không ra hoa, đối mặt mất mùa

Thời tiết ấm được cho là nguyên nhân khiến hàng chục nghìn hecta vải thiều tại Bắc Giang, Hải Dương chưa chịu ra hoa. Những ngày tới nếu thời tiết không lạnh, khả năng mất mùa vải là rất cao, kéo theo đó việc sụt giảm sản lượng để xuất khẩu.

Vải thiều không ra hoa, đối mặt mất mùa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, tỉnh có 2.000 ha vải thiều vụ sớm có tỉ lệ ra hoa đạt 80%. Còn đối với 8.500 ha vải thiều chính vụ cũng chỉ mới có 50% diện tích ra hoa. Trong số 50% diện tích cây vải ra hoa, có tới ¼ diện tích vừa ra hoa vừa ra lộc, vì vậy tỉ lệ đậu quả cũng sẽ không cao.

 

Hiện huyện Thanh Hà (Hải Dương) có khoảng 4.000 ha vải, trong đó có 3.000 ha vải thiều. Với diễn biến thời tiết như hiện nay, diện tích vải thiều ra hoa có thể chỉ đạt dưới 50% và nguy cơ mất mùa có thể sẽ xảy ra.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cũng cho biết: Tính đến ngày 28/2, gần 10.000 ha vải của tỉnh này đã ra lá, ít có khả năng ra hoa; 11.000 ha đang chờ thời tiết lạnh để kết hoa. Trong khi thời điểm này năm ngoái, hoa vải đã bắt đầu nở rộ.

Vụ vải năm nay, huyện Lục Ngạn có 16.293 ha, trong đó vải chín sớm 1.750 ha, hiện 75 - 80% diện tích đã ra hoa. Còn lại 14.543 ha vải chính vụ, trong đó có 15-20% diện tích vải đã ra hoa xen kẹp lộc, diện tích còn lại vẫn ở giai đoạn “ngủ”, phải trông chờ vào thời tiết.

Ông Lê Bá Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Sau khi thu hoạch vụ vải năm 2016, bà con chăm sóc vải rất tốt. Tuy nhiên, trong tháng 11, 12/2016 và tháng 1/2017, nhiệt độ cao hơn trung bình các năm từ 1-2,3 độ C nên đến nay 70% diện tích vải trên địa bàn chưa có nụ, ra hoa. Cùng thời điểm này năm ngoái vải đã có hoa, một số hoa đã nở nhưng năm nay tất cả đều im lìm, đây cũng là lần đầu tiên Lục Ngạn xảy ra tình trạng này.

Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Do vải là cây á nhiệt đới, trong quá trình sinh trưởng, cây vải cần một giai đoạn nhiệt độ ngoài trời thấp. Ví dụ, cần thời tiết dưới 15 độ C để cây tích lũy nhiệt, phân hóa mầm, lộc, hoa. Tuy nhiên, năm nay, nhiệt độ ấm hơn, thời gian ngày có nhiệt độ thấp chưa đủ và không tập trung nên cây vải sẽ ra hoa ít.

Những tháng đầu năm 2017, thời tiết có những diễn biến bất thường nên ảnh hưởng lớn đến sản xuất trồng trọt, đặc biệt là cây ăn quả lâu năm. Vụ Đông Xuân ấm, ít mưa ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển, nhất là việc ra hoa, thụ phấn của cây vải tại các tỉnh phía Bắc.

Khẩn trương ứng phó

Được biết, vùng quy hoạch trồng vải thiều xuất đi Mỹ, Úc, Nhật Bản... tập trung chủ yếu tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang). 107 hộ dân tại đây được đánh riêng từng mã số để trồng và chăm sóc cây theo tiêu chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Tuy nhiên, theo ông Tăng Văn Huy, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn, đến thời điểm này, có thể xác định, mùa vải năm nay sẽ muộn, chủ yếu do tác động của thời tiết. Năm 2016, là năm vải thiều Lục Ngạn “được mùa, được giá” với tổng sản lượng quả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đạt hơn 91.508 tấn. Trong chỉ tiêu đề ra, vụ mùa năm 2017, Lục Ngạn phấn đấu đạt 91.800 tấn, nhưng đến nay, rõ ràng con số này là một chỉ tiêu… không tưởng.

Vì vậy, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, với cây nhãn, cây vải ra hoa muộn Cục Trồng trọt cần tập trung cán bộ, chủ động hướng dẫn người dân áp dụng các gói kỹ thuật, cố gắng chăm sóc để dù sản lượng có giảm một chút nhưng được giá.

Trong trường hợp vải thiều mất mùa, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tập trung chăm sóc diện tích vải ra quả để nâng cao chất lượng, từ đó tăng hiệu quả kinh tế. Chất lượng cao thì giá cả nâng lên, đồng thời làm tốt khâu kết nối thị trường để nâng cao giá trị quả vải.

Đặc biệt, để tránh tình trạng “mất mùa, xuống giá”, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc tuy là thị trường tiêu thụ lượng vải thiều rất lớn nhưng tính ổn định không cao. Vì vậy, bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống tiếp tục được duy trì ổn định và thị trường nội địa được xác định là trọng tâm, các địa phương cũng cần tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiềm năng với yêu cầu chất lượng cao hơn. Cần nâng cao chất lượng của quả vải, đáp ứng với yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Như vậy thì dù mất mùa nhưng giá vải thiều cũng sẽ cao, bù đắp được phần nào chi phí mất mùa.

Theo Xuân Thảo

Báo hải quan

 

TAGS :

giaothuong