Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ Hàn Quốc: Doanh nghiệp Việt muốn vươn lên sẽ khó hơn

Theo chuyên gia, DN Hàn Quốc đang sản xuất những ngành tiên tiến hơn Việt Nam. Khi đó, DN Việt Nam muốn vươn lên sẽ khó hơn. Trước đây, Việt Nam chỉ bị chặn ở dưới bởi hàng Trung Quốc giá rẻ, giờ đây còn bị chặn bởi hàng của Hàn Quốc cao cấp hơn...

 

Thâm hụt thương mại với Hàn Quốc đạt gần 16 tỷ USD, lần đầu vượt Trung Quốc

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất nhập khẩu đối với 10 thị trường lớn nhất của Việt Nam đạt 176,09 tỷ USD, chiếm 88,8% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Trong đó, lớn nhất vẫn là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 39,86 tỷ USD, chiếm 20,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Đáng chú ý Hàn Quốc đã vượt qua 3 thị trường là Mỹ, EU, và ASEAN để trở thành đối tác thương mại lớn lớn thứ 2 của Việt Nam với hơn 29,12 tỷ USD, chiếm 14,7%. Mỹ là thị trường lớn thứ 3 với kim ngạch 24,42 tỷ USD, chiếm 12,3%. Tiếp theo là thị trường EU (28 nước) với 24,01 tỷ USD, chiếm 12,1%, thị trường ASEAN với kim ngạch hơn 23,93 tỷ USD; chiếm 12,1%...

Xét riêng về thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 6 tháng/2017 đạt mức tăng 42,9%, cao nhất từ năm 2012 đến nay.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 19,7 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường EU (28 nước) đạt kim ngạch 18,2 tỷ USD, tăng 12,4%.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với hơn 13,02 tỷ USD, tăng 42,9%, theo sau là thị trường ASEAN xếp thứ 4 với kim ngạch 10,35 tỷ USD, tăng 27,1%. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 với kim ngạch hơn 8 tỷ USD, tăng 20,4%, tiếp theo là Hàn Quốc với kim ngạch gần 6,57 tỷ USD, tăng 28,6%;…

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc 6 tháng đầu 2017 tăng 51,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch 26,84 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 26,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Thị trường Hàn Quốc đứng thứ 2 với 22,56 tỷ USD, tăng 51,3%, chiếm tỷ trọng 22,4%. ASEAN là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ 3 cho Việt Nam với kim ngạch 13,58 tỷ USD, tăng 17,7%, chiếm tỷ trọng 13,5%;…

Như vậy, do nhập khẩu tăng mạnh, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc 6 tháng qua. Nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, tăng 51,2%; trong khi nhập khẩu Trung Quốc chỉ tăng 16,8%, đạt 27,1 tỷ USD. Thâm hụt thương mại với Hàn Quốc qua đó tăng lên mức 15,99 tỷ USD, so với 13,72 tỷ USD của Trung Quốc.

Nhập siêu từ Hàn Quốc có đáng lo?

Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Kinh tế quý II/2017, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chỉ ra Hàn Quốc đang thay thế Trung Quốc trong việc trở thành quốc gia Việt Nam có tỷ lệ nhập siêu lớn nhất.

Theo giám đốc VEPR, TS Nguyễn Đức Thành, xu hướng nhập siêu từ Hàn Quốc sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Bản chất nhập siêu từ Trung Quốc và Hàn Quốc khác nhau.

Nhập siêu từ Trung Quốc chủ yếu do các mặt hàng phổ thông từ các thị trường hàng hóa như Quảng Châu, do Trung Quốc hiện được coi như công xưởng khổng lồ của thế giới. Còn với Hàn Quốc, nhập siêu gắn liền với quá trình đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam. Nhà đầu tư Hàn Quốc dùng chính tiền đầu tư quay lại nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, máy móc thiết bị từ Hàn Quốc để phục vụ sản xuất tại Việt Nam.

Hiện Hàn Quốc đang là quốc gia đứng đầu về đầu tư tại Việt Nam với 50,5 tỷ USD kể từ năm 1988, chiếm 30,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đặc biệt, như Samsung đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Hoạt động của Samsung còn ảnh hưởng lớn đến các chỉ số tăng trưởng nội địa, xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực từ 20/12/2015. Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Tính đến đầu năm 2015, Hàn Quốc dẫn đầu về số dự án và quy mô vốn đăng ký với trên 4.237 dự án và 37,8 tỷ USD luỹ kế.

Trước đó, năm 2014, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 28,8 tỷ USD. Đó cũng chính là thời điểm Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Theo dòng lịch sử, thực tế, áp lực nhập siêu từ Hàn Quốc đã được cảnh báo từ trước khi VKFTA có hiệu lực. Năm 2008, nhập siêu từ Hàn Quốc đạt khoảng 6,27 tỷ USD. Con số này tăng lên 8,46 tỷ USD trong năm 2011 và tăng vọt lên mức 20,6 tỷ USD trong năm 2016.

Những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh từ Hàn Quốc chủ yếu là nhóm nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Điển hình như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 8,7 tỷ USD năm 2016); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (5,8 tỷ USD năm 2016); điện thoại các loại và linh kiện (3,6 tỷ USD năm 2016)…

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chuyển dịch thâm hụt thương mại từ Trung Quốc sang Hàn Quốc sẽ phần nào giảm sức ép từ Trung Quốc. Tuy nhiên, bà Lan cũng bày tỏ lo ngại việc tăng ảnh hưởng của Hàn Quốc sẽ tạo trần cho doanh nghiệp Việt Nam khó vượt qua.

"Doanh nghiệp Hàn Quốc đang sản xuất những ngành tiên tiến hơn Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn lên sẽ khó hơn. Trước đây, Việt Nam chỉ bị chặn ở dưới bởi hàng Trung Quốc giá rẻ, giờ đây còn bị chặn bởi hàng của Hàn Quốc cao cấp hơn. Như vậy, không gian cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ thu hẹp lại", bà Lan phân tích.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng cốt lõi vấn đề vẫn nằm ở khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Long, các FTA về bản chất sẽ tạo cơ hội cho thị trường 2 bên giao thương, song do năng lực của các doanh nghiệp trong nước còn yếu dẫn tới việc xuất khẩu gặp khó khăn. Điều này dẫn tới việc khi nhiều FTA đi vào hiệu lực, nhập siêu từ các thị trường khác có xu hướng gia tăng.

TAGS :

fta han quoc viet nam