Việt Nam - Thái Lan: Dư địa tăng trưởng thương mại, đầu tư còn rất lớn
Sáng nay (23/5), tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Bộ Thương mại Thái Lan đã tổ chức hội thảo: “Xúc tiến thương mại, đầu tư Việt Nam- Thái Lan: Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược”. Hội thảo nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam- Thái Lan trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham dự và có bài phát biểu tại hội thảo.
Theo Bộ Công Thương, thương mại và đầu tư Việt Nam- Thái Lan những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Về Thương mại, hiện Việt Nam là bạn hàng lớn thứ 2 của Thái Lan trong khu vực ASEAN và Thái Lan là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều Việt Nam- Thái Lan đạt 12,49 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015.
Về đầu tư, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 4/2017, các nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư vào Việt Nam 457 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 7,8 tỷ USD. Với kết quả này, Thái Lan xếp thứ 10/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những kết quả thương mại, đầu tư hai nước đã đạt được thời gian qua. Đánh giá cao những nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam, đồng thời khẳng định, dư địa cho tăng trưởng thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn
Toàn cảnh hội thảo
Cụ thể theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết, nhằm hướng tới 4 mục tiêu của AEC, bao gồm: Hình thành một thị trường và một cơ sở sản xuất thống nhất; hình thành một khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế cân bằng và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, về phía Việt Nam, tính đến ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cắt giảm về 0% đối với 8.603 dòng thuế. Số còn lại gồm 669 dòng thuế sẽ được giảm xuống 0% vào năm 2018. Về phía Thái Lan, hiện nay 9558 dòng thuế thuộc lộ trình cắt giảm trong biểu cam kết thuế quan tại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã được xóa bỏ toàn bộ từ năm 2012. Thêm vào đó, Chính phủ hai nước đều đang thực hiện nhiều biện pháp giảm rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, như việc thúc đẩy áp dụng cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ, cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ mà không cần thông qua cơ quan có thẩm quyền, nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong xuất khẩu hàng hóa.
Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải- Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, ông Winichai Chaemchaeng cho biết: Hai nước Việt Nam- Thái Lan đều trên lục địa đất liền, kết nối giao thông thuận tiện. Hai nước cũng có những chính sách thông thoáng, thực hiện nhiều biện pháp giảm rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông. Đây là cơ hội rất lớn, giúp 2 nước đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 20 tỷ vào năm 2020.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, ông Winichai Chaemchaeng cũng cho biết: Cơ hội còn rất lớn, song để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, Chính phủ hai nước cũng cần tăng cường trao đổi thông tin thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, nhằm kết nối và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai bên trong xuất khẩu và đầu tư. Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư giữa hai nước, đây cũng là cách để doanh nghiệp xâm nhập thị trường và tìm kiếm cơ hội thương mại, đầu tư tại thị trường của nhau.
Nguyễn Hòa - Hoa Quỳnh