WB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,3%
Triển vọng kinh tế Việt Nam được đánh giá sáng sủa, nhờ cầu nội địa tăng, nông nghiệp hồi phục và ngành sản xuất để xuất khẩu cải thiện.
Trong báo cáo “Điểm lại” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, kinh tế Việt Nam được đánh giá có chuyển biến tích cực trong nửa đầu năm 2017. Tăng trưởng giai đoạn này ước tính vào khoảng 5,7%.
Dịch vụ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tiếp tục phục hồi trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, dịch vụ đóng góp hơn 40% GDP, nhờ tiêu dùng trong nước và ngành du lịch.
Trong trung hạn, triển vọng kinh tế cũng được nhận định khá sáng sủa. GDP dự báo tăng 6,3% năm nay, nhờ sức cầu nội địa tăng, nông nghiệp hồi phục và ngành sản xuất định hướng xuất khẩu tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn so với mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đang phấn đấu thực hiện.
Áp lực lạm phát được đánh giá vừa phải. Trong đó, lạm phát cơ bản ổn định nhờ giá lương thực, thực phẩm và năng lượng được dự báo vẫn ở mức thấp. Thặng dư tài khoản vãng lai sẽ vẫn tiếp tục, nhưng ở mức thấp hơn khi nhập khẩu đang tăng.
Năm 2018 và 2019, GDP Việt Nam được WB dự báo nhích lên 6,4%. Tình hình vĩ mô nhìn chung ổn định.
“Kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện sức dẻo dai nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng, gồm sức cầu trong nước và ngành sản xuất chế tạo chế biến”, ông Sebastian Eckardt – Quyền giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhận xét, “Đà tăng trưởng vẫn được duy trì là yếu tố thuận lợi để Việt Nam xử lý các trở ngại có tính cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và gây dựng lại bộ đệm chính sách”.
Dù vậy, nền kinh tế thời gian tới sẽ vẫn chịu nhiều thách thức. Trên thế giới, xu hướng tăng lãi suất đang diễn ra, có thể khiến điều kiện huy động vốn bị thắt chặt. Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu cũng đang chững lại khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Còn trong nước, các rào cản trung hạn là tín dụng tăng nhanh, nợ xấu chưa giải quyết triệt để, bội chi ngân sách lớn và tăng trưởng năng suất chậm lại.
WB nhấn mạnh Việt Nam cần tập trung cải thiện chất lượng tăng trưởng và củng cố sự linh hoạt của nền kinh tế. Vì thế, Chính phủ nên tiếp tục ổn định vĩ mô, giảm bội chi ngân sách, hạn chế tăng trưởng tín dụng quá nhanh và tìm cách thúc đẩy tăng trưởng năng suất. Những rào cản đối với tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cũng sẽ được loại bỏ qua quá trình cải cách cơ cấu.