Xây dựng hệ thống hợp chuẩn: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
Việc xây dựng hệ thống hợp chuẩn là giải pháp để các doanh DN thủ công mỹ nghệ (TCMN) đẩy mạnh XK, đáp ứng yêu cầu về quy định hợp chuẩn của khách hàng quốc tế
Yêu cầu hợp chuẩn tăng nhanh
Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội XK hàng TCMN Việt Nam (VietCraft) - cho biết: Theo khảo sát của VietCraft, 73% DN XK hiểu các quy định của hợp chuẩn. Hợp chuẩn chất lượng đóng vai trò quan trọng nhất đối với các công ty và tỷ lệ áp dụng là 65,5%. Tiếp theo là hợp chuẩn về trách nhiệm xã hội (52,5%), hợp chuẩn về môi trường (48%). Kết quả điều tra cũng cho thấy, 60,3% DN khẳng định: Trong 2 năm trở lại đây, mức độ và số lượng yêu cầu về hợp chuẩn từ khách hàng tăng nhanh; trong đó, khách hàng châu Âu yêu cầu hợp chuẩn nhiều nhất (49,9%), tiếp đến là Mỹ và Nhật Bản với tỷ lệ lần lượt là 23,3% và 15,9%.
Liên quan đến vấn đề này, ông Filip Graovac - Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam - cho hay: Thời gian qua, Quỹ châu Á đã cùng với VietCraft tiến hành khảo sát nhu cầu của 100 nhà nhập khẩu quốc tế và 356 DN XK hàng TCMN Việt Nam. Tất cả các nhà nhập khẩu đều yêu cầu DN XK phải đáp ứng được các tiêu chuẩn ngành về sức khỏe, an toàn; đồng thời, ngày càng đề cao các tiêu chuẩn liên quan đến lao động và môi trường.
Trước yêu cầu trên, Quỹ châu Á đã tiến hành Dự án “Nâng cao năng lực các Hiệp hội DN Việt Nam nhằm hỗ trợ các hội viên của mình và góp phần xây dựng chính sách dựa trên thực tế”. Sau 3 năm triển khai (2014-2017), đến nay, đã xây dựng xong bộ tài liệu hướng dẫn hợp chuẩn ngành cho 4 nhóm ngành hàng gồm: Dệt thêu, sơn mài, gốm sứ và mây tre lá. Đồng thời, đã xây dựng trang thông tin hợp chuẩn với trang web. www.hopchuanvietcraft.vn, thường xuyên cập nhật các thông tin/điều luật liên quan đến điều kiện làm việc, thủ tục xuất nhập khẩu, hướng dẫn tiếp cận các thị trường quốc tế khác nhau...
Tiếp tục hoàn thiện
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Lê Bá Ngọc, DN TCMN của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện hợp chuẩn như: Thiếu nhân lực, hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, không đồng bộ và nằm rải rác; nhiều mục khách hàng yêu cầu không có quy định trong luật pháp Việt Nam. Bên cạnh đó, sản xuất hàng hóa còn phụ thuộc nhiều vào làng nghề, khó khăn trong quản lý sản xuất và đáp ứng yêu cầu hợp chuẩn. Các chi phí để duy trì hệ thống hợp chuẩn còn rất cao, bao gồm khám sức khỏe, đo môi trường, xử lý chất thải… Đặc biệt, mặc dù phải tốn kém nhiều chi phí và công sức để áp dụng hợp chuẩn, nhưng đơn hàng của khách hàng chưa đồng đều, liên tục dẫn tới tâm lý chán nản cho DN.
Trước thực tế đó, ông Ngọc cho biết, giải pháp sắp tới là cần tiếp tục mở rộng các hoạt động tư vấn, đào tạo nhân lực cho DN, cập nhật thông tin thường xuyên trên trang web chính thức của chương trình. Hiện, VietCraft đã xây dựng phần mềm hợp chuẩn, DN chỉ cần điền thông tin vào phần mềm sẽ biết được những vấn đề cần phải cải tiến. Đối với các DN, cũng cần đàm phán với các tập đoàn có yêu cầu hợp chuẩn từ nhà cung cấp, yêu cầu cam kết về nguồn hàng để có sự ổn định về đơn hàng…
Nguyễn Hạnh
Báo Công Thương