Xuất khẩu 6 tháng đầu năm của TP. Hồ Chí Minh tăng 17,4%
Do thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, từ đầu năm tới nay, TP. Hồ Chí Minh đã xuất khẩu đạt 17 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ.
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước đạt 17 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2016 và tính riêng kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu thành phố là 15,7 tỷ USD, tăng 17,5%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ trọng 37,9%, tăng 2,2% với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 62,1%, tăng 34,9% so với cùng kỳ.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm tới nay kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố đang phục hồi và tăng trưởng khá trở lại.
Cụ thể, 3 tháng tăng 10,6%; 4 tháng tăng 16,9%; 5 tháng tăng 17,1%; 6 tháng ước tăng 17,5% (đạt mục tiêu Kế hoạch là tăng 10-10,5% trong năm 2017) và tăng cao hơn 15,8 điểm phần trăm so với mức tăng của cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 1,7%). Đây là mức tăng đáng khích lệ và tăng cao hơn mức tăng của cả nước (dự kiến 6 tháng 2017 cả nước tăng 16%).
Xét theo nhóm hàng thì ngành hàng công nghiệp chế biến tiếp tục tăng trưởng ở mức cao (22,7%); trong đó, hầu hết các mặt hàng có kim ngạch lớn đều có tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ như: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng cao 58,9% dệt may tăng 2,1%, giày dép tăng 8,5%,... Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch đúng định hướng, theo hướng tiếp tục tăng tỷ trong nhóm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trong nhóm hàng thô.
Có được kết quả trên là do Sở Công Thương đã tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường độc lập hoặc trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại thành phố; thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa hai bên.
Bên cạnh đó, Sở cũng theo dõi sát tình hình phát triển ngành; đồng thời thực hiện rà soát các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có khả năng tăng trưởng tốt (điện tử, cơ khí, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ gỗ ) và các nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng ở mức thấp hoặc giảm (sản xuất đồ uống, cao su - nhựa) để có biện pháp tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.