Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng ấn tượng
Từ đầu năm đến nay, XK cá ngừ đã có sự tăng trưởng đầy ấn tượng, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của XK thủy sản.
Theo VASEP, trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị XK thủy sản cả nước ước đạt 2,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các mặt thủy sản XK chủ lực, cá ngừ là một trong những mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.
Trong 5 tháng qua, XK cá ngừ đạt 215,893 triệu USD, tăng 20,3% so cùng kỳ 2016. Chính nhờ sự tăng trưởng mạnh của cá ngừ cùng với cá các loại khác (tăng 9,4%) và nhuyễn thể (tăng 35,6%) đã giúp cho XK thủy sản nói chung có được mức tăng trưởng như trên trong bối cảnh các sản phẩm chủ lực khác là tôm, cá tra đều có mức tăng trưởng thấp, còn cua ghẹ và giáp xác khác lại tăng trưởng âm.
XK cá ngừ đầu năm nay tăng trưởng tốt trước hết là nhờ sự gia tăng về sản lượng khai thác. Trong 4 tháng đầu năm, sản lượng khai thác cá ngừ tại 3 tỉnh trọng điểm là Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa đạt 8.545 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng yếu tố chính là nhờ sự phục hồi về XK cá ngừ vào các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Mấy năm qua, XK cá ngừ sang Nhật Bản liên tục sụt giảm do khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Philippines… (cá ngừ của những nước này vào Nhật Bản có mức thuế thấp hơn nhiều, thậm chí không còn phải chịu thuế NK như cá ngừ Việt Nam). Nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, XK cá ngừ sang Nhật Bản đã từng bước hồi phục. Trong quý 1, XK cá ngừ sang Nhật Bản tăng tới 31% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở các thị trường Mỹ, EU…, XK cá ngừ đông lạnh và cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt, giúp cho sự tăng trưởng chung của cả ngành hàng cá ngừ. Tăng trưởng ấn tượng nhất là cá ngừ chế biến đóng hộp, với mức tăng tới 35% trong 5 tháng qua. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, trong khi giá cá ngừ vằn tăng cao (thông thường sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ cá ngừ chế biến đóng hộp), nhưng cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam vẫn thu hút khách hàng nước này. Tại EU, cá ngừ chế biến đóng hộp cũng chiếm tỷ trọng lớn trong XK cà ngừ của Việt Nam vào khu vực này. Trong quý 1, cá ngừ chế biến đóng hộp chiếm 37% tổng giá trị cá ngừ XK vào EU. Còn thăn/philê cá ngừ đông lạnh, có mức tăng trưởng XK là 11%.
Một điều cũng đáng chú ý trong XK cá ngừ 5 tháng qua là số thị trường được mở rộng. Hiện cá ngừ Việt Nam đã được XK sang 79 thị trường, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo trong những tháng tới, XK cá ngừ vẫn tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu tăng từ các thị trường chủ lực. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp chế biến, XK cá ngừ sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn nữa nếu tháo gỡ kịp thời một số vướng mắc hiện nay.
Cụ thể, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nghề lưới vây của Việt Nam có ưu điểm là không sử dụng thiết bị dẫn dụ cá. Điều này đáp ứng được yêu cầu đánh bắt trong tương lai, thương mại và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Rõ ràng đây là một lợi thế của Việt Nam trong khai thác cá ngừ, cần được đẩy lên thành thế mạnh để cạnh tranh với sản phẩm cá ngừ của các nước khác. Do đó, Tổng cục Thủy sản cần xem xét, sớm công bố nghề lưới vây của Việt Nam không sử dụng thiết bị dẫn dụ.
Một băn khoăn lớn của các DN chế biến, XK cá ngừ sang EU là Hiệp định thương mại tự do EVFTA sắp có hiệu lực, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có quy định, hướng dẫn nào về con số quota cũng như quy trình cụ thể cho việc cấp hạn ngạch XK cá ngừ Việt Nam vào EU. Vì vậy, Bộ Công thương cần sớm thống nhất với EU về con số và cơ chế cấp hạn ngạch cho cá ngừ Việt Nam vào khu vực này. EU hiện đang là thị trường lớn thứ 2 của cá ngừ Việt Nam, với kim ngạch 115 triệu USD trong năm 2016.
Theo Nông nghiệp VN