Xuất khẩu còn chặng đường dài
Tăng cả về lượng và giá là những yếu tố thuận lợi giúp cho XK tăng trưởng tốt. Thêm vào đó, lợi thế khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào thực hiện giúp cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường NK tốt hơn.
Xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào gia công nên giá trị gia tăng còn chưa cao.
Thuận về giá
Tính đến hết tháng 5, kim ngạch XK của cả nước ước đạt 79,3 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch XK khối DN trong nước ước đạt 22 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ, khối DN FDI ước đạt 57,24 tỷ USD (tính cả dầu thô XK) tăng 19%. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) nhìn nhận, nếu so sánh với con số tăng của 5 tháng đầu năm 2016 thì con số tăng trưởng của 5 tháng đầu năm 2017 tăng hơn 2 lần (5 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 6,3%). Đây là mức tăng trưởng cao. 3 nhóm hàng gồm nông sản, thủy sản; nhiên liệu khoáng sản; công nghiệp chế biến đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt.
Trên thực tế, XK của nhiều mặt hàng tăng trưởng trở lại trong thời gian qua, trong đó đáng chú ý là những mặt hàng XK chủ lực như dệt may, da giày, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng… Sự tăng trưởng của XK vẫn chủ yếu là do 2 yếu tố giá và lượng tăng.
Theo đó, giá XK tăng kéo kim ngạch XK các mặt hàng nông sản chủ lực tăng thêm 627 triệu USD, nhóm nhiên liệu, khoáng sản tăng 377 triệu USD. Trong đó, giá XK của một số mặt hàng tăng mạnh, mạnh nhất là cao su (tăng 60,8%), than đá (tăng 54,4%), và dầu thô (tăng 34,8%), cà phê (tăng 31,9%)... Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, sự tăng trưởng của mặt hàng nhiên liệu, khoáng sản chính là một trong những lý do giúp cho XK 5 tháng tăng tốt. Trong đó, kim ngạch XK của cả 4 mặt hàng than đá, dầu thô, xăng dầu, quặng và khoáng sản khác đều đạt mức tăng trưởng dương. Về lượng, các mặt hàng công nghiệp chế biến và nhiên liệu, khoáng sản tăng mạnh, đặc biệt là một số mặt hàng như phân bón (tăng 55,9%), chất dẻo nguyên liệu (tăng 38,9%); xơ, sợi dệt (tăng 16,1%); sắt thép các loại (tăng 28,2%)…
Một điểm đáng chú ý tô thêm màu hồng cho “bức tranh” XK đó là việc tận dụng các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đơn cử như mặt hàng dệt may, nhiều thị trường XK trong thời gian qua tăng trưởng tốt, trong đó Liên minh Kinh tế Á - Âu có tốc độ tăng trưởng vào Nga tăng 115%; đối với thị trường AEC đã có tốc độ tăng ở 6 thị trường, cụ thể: Thái Lan 17%, Indonesia 11%, Singapore 38%, Lào 24,5%, Campuchia 36% và Myanmar 5%. Một trong những khách hàng truyền thống từ trước đến nay của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao đó là Hàn Quốc với tốc độ tăng 14%. Từ đó có thể thấy, những nỗ lực của DN dệt may trong việc việc chủ động tiếp cận, tận dụng và khai thác FTA song phương và đa phương mới đã cho kết quả, mà phần lớn thành quả này đến từ Liên minh Kinh tế Á - Âu và cộng đồng kinh tế ASEAN.
Bổ sung thêm thông tin, ông Hải cho hay, các FTA mới của Việt Nam như FTA giữa Việt Nam-Chile, FTA Việt Nam-Hàn Quốc đều có tỉ lệ tăng trưởng tốt vì các đối tác đang tiếp tục thực hiện việc cắt giảm, xóa bỏ thuế quan theo cam kết của hiệp định. Cụ thể, về tỉ lệ tận dụng ưu đãi FTA, thị trường Chile chiếm tỉ lệ sử dụng C/O mẫu VC cao nhất với 64%; đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc với tỉ lệ sử dụng C/O ưu đãi mẫu AK/VK là 56%.
Làm sao để không lung lay?
Những yếu tố thuận lợi đó cũng là một trong những lý do để cơ quan quản lý đưa ra nhận định XK có thể được cải thiện hơn trong những tháng tới. Tuy nhiên, nếu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “XK sẽ đạt mục tiêu tăng 6-7% so với năm 2016?” ở thời điểm này quả thật còn quá sớm.
Nếu tính trung bình, mỗi tháng kim ngạch XK của cả nước đạt gần 16 tỷ USD thì trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch XK ước đạt 96 tỷ USD. Mặc dù, theo thông lệ, những tháng cuối năm sẽ là thời điểm XK tăng tốc nhiều hơn nên có khả năng XK sẽ về đích như mong muốn. Nhưng cần nhớ rằng, có một thực tế diễn ra lâu nay mà chúng ta không thể chối bỏ, đó là XK của Việt Nam luôn bị động vì phụ thuộc vào thị trường thế giới, chỉ cần biến động nhỏ là có thể lung lay.
Lệnh cấm NK tôm của Australia từ tháng 1 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi tôm và DN XK tôm của Việt Nam là một ví dụ. Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, lệnh cấm này đã gây ra thiệt hại cho ngành nuôi trồng thuỷ sản Việt Nam, trong đó lượng tôm chưa nấu chín XK sang Australia vào khoảng 55 triệu AUD. Hiện Bộ Công Thương đang ráo riết làm việc với phía Australia để dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này. Hay gần đây vụ việc rớt giá thê thảm của mặt hàng thịt lợn khi Trung Quốc dừng NK qua đường tiểu ngạch là những dẫn chứng xác đáng cho việc phụ thuộc vào thị trường XK.
Có thể thấy, XK của Việt Nam tăng nhanh qua từng thời kỳ nhưng XK chủ yếu vẫn dựa vào tài nguyên có sẵn, phụ thuộc vào gia công nên giá trị gia tăng không cao, phụ thuộc vào thị trường thế giới. Do đó, yếu tố bền vững vẫn là vấn đề đau đáu mà nhiều chuyên gia thường đề cập đến.
Để XK không còn là sự nơm nớp mỗi khi thị trường thế giới biến động, việc tìm kiếm thị trường mới, tránh “bỏ trứng vào một giỏ” là yêu cầu đang được đặt ra đầu tiên. Bên cạnh đó, còn phải chú trọng đến điều chỉnh các ngành hàng, bởi hoạt động XK không chỉ hướng đến chiếm lĩnh thị trường mà còn phải chiếm lĩnh được các ngành hàng Việt Nam có lợi thế trên bản đồ thế giới. Lợi thế về nông sản của Việt Nam là có, song việc chú trọng đến chất lượng, thương hiệu, quản lý theo chuỗi giá trị còn manh mún, nhỏ lẻ. Theo khuyến cáo của chuyên gia, nếu vẫn để tình trạng cà phê của Việt Nam bán ra chỉ được 2USD/kg, trong khi XK sang các nước họ thu về 200 USD/kg thì hàng Việt Nam sẽ mãi không có thương hiệu và khó lòng vươn tới bền vững.