Xuất khẩu gạo tăng trở lại
Lượng gạo xuất khẩu của nhiều tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua đã tăng trở lại. Kết quả khả quan này đến từ việc nhu cầu thị trường tăng và chiến lược mở rộng mạng lưới tiêu thụ của doanh nghiệp (DN) đã có kết quả.
Dự báo xuất khẩu gạo tiếp tục khả quan trong thời gian tới
Tín hiệu vui
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang Võ Nguyên Nam đánh giá, nhu cầu mua gạo của các nhà nhập khẩu trên thế giới hiện nay đang gia tăng. Không chỉ tăng về số lượng mà giá xuất bình quân những tháng qua cũng tăng nhẹ. Nhờ đó, tháng 7, An Giang đã xuất khẩu được 46,69 nghìn tấn gạo, trị giá 22,08 triệu USD, tăng 5,84% về lượng và 6,55% về kim ngạch so với tháng trước. Qua đó, góp phần nâng sản lượng xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt 212,23 nghìn tấn, trị giá 98,23 triệu USD.
Ông Lê Văn Khê - Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre - cho biết, so với cùng kỳ năm trước, sản lượng gạo xuất khẩu của Bến Tre 7 tháng vừa qua tăng gấp 4,5 lần. Tương tự, kết thúc tháng 7, xuất khẩu gạo tỉnh Long An đạt sản lượng hơn 400 nghìn tấn, trị giá trên 200 triệu USD, tăng lần lượt 0,2% về lượng và 6,1% về giá trị so với cùng kỳ. Trong khi đó, sản lượng gạo xuất khẩu của Sóc Trăng đã tăng trưởng 19% trong 7 tháng đầu năm và đạt giá trị khoảng 35 triệu USD, với sản lượng hơn 87 nghìn tấn.
Theo ông Ngô Văn Tuấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, tính đến hết tháng 7, xuất khẩu gạo của Tiền Giang đạt khoảng 163 nghìn tấn, trị giá 77 triệu USD, tăng gấp 2 lần cả về lượng và về trị giá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các DN vẫn xuất chủ yếu sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch chiếm khoảng 86% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh.
Tại tỉnh Đồng Tháp, tính riêng trong tháng 7 vừa qua, lượng gạo xuất khẩu đạt gần 23 nghìn tấn, tăng 212% so với tháng trước và tăng 113% so với cùng kỳ; kim ngạch đạt 9,53 triệu USD, tăng 138,8% so với tháng trước, tăng 99,54% so với cùng kỳ năm 2016. Phân tích nguyên nhân xuất khẩu gạo tháng 7 tăng mạnh, ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, do nhu cầu thu mua gạo của các nhà nhập khẩu trên thế giới tăng đột biến. Bên cạnh đó, các thương nhân Việt Nam đã trúng 6/8 lô thầu xuất khẩu gạo sang Philippines, với tổng khối lượng là 175 nghìn tấn, chiếm 70% tổng lượng gạo mở thầu nhập khẩu lần này. Các nhân tố khả quan này tác động tích cực đến thị trường và giá cả, giúp DN Đồng Tháp gia tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu.
Cơ hội trong những tháng cuối năm
Dự báo thị trường các tháng cuối năm, đại diện Sở Công Thương Đồng Tháp lạc quan: Bangladesh vừa ký biên bản ghi nhớ về thương mại gạo, dự kiến đến hết năm 2017, sẽ mua khoảng 250-300 nghìn tấn gạo trắng 5% tấm và mua khoảng 500 nghìn tấn gạo của Việt Nam. Bên cạnh đó, Indonesia, Malaysia cũng đang chuẩn bị nhập khẩu gạo trở lại; đồng thời, thị trường Trung Quốc vẫn đang tiêu thụ tốt và tiếp tục dẫn đầu danh sách các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm nay. Đây là tín hiệu khả quan giúp cho ngành lúa gạo tăng trưởng trở lại.
Bên cạnh yếu tố thuận lợi của thị trường và sự nỗ lực của DN, theo thông tin từ ngành Công Thương các tỉnh ĐBSCL, sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho DN. Theo đó, Sở Công Thương An Giang thông tin đến các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh về việc kết nối với Đại sứ quán/Tham tán thương mại nước ngoài đang hiện diện tại Việt Nam (Singapore, Panama, Nam Phi tại TP. Hồ Chí Minh và Ả Rập Saudi tại Hà Nội) để DN tiếp cận, quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu. Sở cũng thường xuyên thông tin đến DN và các đơn vị liên quan tình hình thị trường sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ DN tìm quỹ đất sạch thực hiện đầu tư, đặc biệt, làm việc với Công ty CP Tập Đoàn Lộc Trời về xây dựng thương hiệu gạo tỉnh An Giang...
Trong khi đó, Sở Công Thương Tiền Giang lên kế hoạch hỗ trợ thúc đẩy liên kết sản xuất (cánh đồng lớn); tổ chức tập huấn phổ biến các quy định có liên quan về hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân; xác nhận kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo cho Công ty Lương thực Tiền Giang; xác nhận kim ngạch xuất khẩu cho Công ty CP may Sông Tiền…