Xuất khẩu gỗ: Tăng trưởng mạnh, tiềm năng lớn
Là một trong những mặt hàng XK chủ lực của ngành nông nghiệp, hàng năm đem về nhiều tỷ USD, XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ dự kiến còn tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định với tiềm năng phát triển rộng mở.
Sẽ cán mốc 7,8 tỷ USD
Nhiều năm trở lại đây, XK gỗ và sản phẩm từ gỗ có sự tăng trưởng khá mạnh mẽ. Số liệu của Bộ NN&PTTN cho thấy: Giá trị XK đồ gỗ và lâm sản đã tăng hơn 2 lần, từ 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên 6,52 tỷ USD/năm giai đoạn 2012-2015. Năm 2016, XK mặt hàng này cũng đạt tới 7,3 tỷ USD, trong đó xuất siêu 5,4 tỷ USD.
Bước sang nửa đầu năm 2017, XK gỗ và sản phẩm từ gỗ tiếp tục đón nhận những tín hiệu tích cực khi giá trị XK ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản - 3 thị trường NK gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, chiếm 69,6% tổng giá trị XK. Điểm đáng chú ý là, nhiều thị trường lớn có giá trị XK gỗ tăng mạnh như Trung Quốc (trên 30%), Hoa Kỳ (16,8%), Hàn Quốc (11,5%), Đức (10%)…
Nhìn nhận về “bức tranh” XK gỗ và sản phẩm từ gỗ nửa đầu năm, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho rằng: Kết quả đạt được cũng là điều bình thường, không có gì đột biến. Những năm gần đây, XK gỗ và sản phẩm từ gỗ vẫn có mức tăng trưởng trung bình khoảng 10-15%. Dự kiến, mức tăng trưởng này vẫn duy trì ổn định trong thời gian tới.
Với đà XK hiện tại, ngành lâm nghiệp dự báo, XK gỗ và sản phẩm từ gỗ cả năm nay sẽ đạt mức 7,6-7,8 tỷ USD, tăng đáng kể so với con số 7,3 tỷ USD của năm 2016.
Phấn đấu xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD
Liên quan tới chế biến, XK gỗ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Mục tiêu toàn ngành lâm nghiệp đặt ra là đến năm 2020, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân năm đạt từ 5,5-6%; nâng cao năng suất rừng trồng lên 20m3/năm; giá trị XK đồ gỗ và lâm sản đạt từ 8,0-8,5 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phát triển công nghiệp chế biến gỗ thông qua việc hỗ trợ các nhà máy chế biến gỗ, khu lâm nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; tăng tỷ trọng đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở, hạ tầng và dịch vụ trong lâm nghiệp, nhằm giảm chi phí trồng, khai thác, vận chuyển và chế biến sản phẩm. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với con số 100.000 ha rừng/năm, nhằm đảm bảo sản phẩm gỗ của Việt Nam đủ điều kiện đáp ứng được yêu cầu quốc tế.
Trên thực tế, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã khá tích cực trong khâu tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi; thúc đẩy, khuyến khích hình thành các DN quy mô vừa và lớn, lấy các DN mạnh làm trung tâm liên kết chuỗi đối với sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm XK. Ngoài ra, các nội dung được đẩy mạnh còn là xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác và thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, hộ gia đình cùng DN tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo mô hình “cánh đồng lớn”; đẩy mạnh công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn của Việt Nam phù hợp với quy đinh, thông lệ quốc tế.
Một trong những điểm không thể bỏ qua khi đề cập tới những động thái từ phía Bộ NN&PTNT nhằm phát triển ngành chế biến, XK gỗ là Bộ đã chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế; có biện pháp bảo vệ thị trường nội địa hợp lý, đồng thời đàm phán các hiệp định kỹ thuật, triển khai thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT với EU nhằm mở rộng thị trường quốc tế cho XK lâm sản.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết: Để ngành lâm nghiệp nói chung, chế biến, XK gỗ và sản phẩm từ gỗ nói riêng phát triển ngày càng bền vững, Bộ NN&PTTN đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí các dự án ODA cho lâm nghiệp, nhất là đối với khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, khu vực ven biển; sớm xem xét phê duyệt Đề án khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2025, cân đối bố trí vốn cho Dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi ,bổ sung các thông tư hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn sự nghiệp và vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg để chuyển sang thực hiện Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng chính phủ.