Xuất khẩu gỗ vượt xa chỉ tiêu, dự kiến đạt 8 tỷ USD
Cả năm nay, dự kiến tổng giá trị XK gỗ sẽ đạt 8 tỷ USD, vượt xa so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm chỉ khoảng 7,5 tỷ USD
Đó là thông tin được ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết tại Hội thảo “XNK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đến nửa đầu năm 2017” diễn ra sáng 5/10 tại Hà Nội.
Theo Bộ NN&PTTN, tính tới hết tháng 9, XK gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,51 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản - 3 thị trường NK gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm chiếm 70,3% tổng giá trị XK.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho hay: Trong XK gỗ, hầu hết tăng trưởng thể hiện mạnh mẽ tại những thị trường tiêu thụ truyền thống, là những thị trường XK chủ đạo của Việt Nam, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, đã có những tín hiệu cho thấy các thị trường truyền thống này có thể thay đổi trong tương lai, chủ yếu là do các chính sách vĩ mô tại các quốc gia này về các ưu tiên, định hướng phát triển, bao gồm chính sách kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng gỗ NK.
Tín hiệu rõ ràng nhất có thể thấy ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, là 2 trong số 5 thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ lớn nhất của Việt Nam. Nếu theo đúng lộ trình của chính phủ Hàn Quốc, cuối năm 2017 các nhà NK Hàn Quốc bắt đầu phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ. Tiến trình tương tự sẽ được diễn ra tại Nhật Bản, tuy nhiên với thời gian muộn hơn (2018). Thực hiện các quy định này sẽ tác động trực tiếp đến tình hình XK của Việt Nam vào thị trường này.
Đề cập tới những thách thức trong mở rộng và phát triển của ngành gỗ hiện nay, theo ông Phúc điển hình là vấn đề cạnh tranh về nguồn gỗ nguyên liệu. Cạnh tranh này thể hiện cả về nguồn cung nguyên liệu NK và nguồn cung từ trong nước.
Cụ thể, chính sách cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên của chính phủ Trung Quốc cộng với chính sách siết chặt việc khai thác, thương mại và XK gỗ nguyên liệu tại một số quốc gia cung gỗ rừng tự nhiên từ rừng nhiệt đới làm gia tăng cạnh tranh về cung toàn cầu, trong đó bao gồm một số công ty NK của Việt Nam.
“Cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu trong nước đặc biệt gay gắt đối với gỗ rừng trồng và gỗ cao su, giữa các công ty ty chế biến đồ gỗ với công ty chế biến dăm gỗ và giữa công ty trong nước với công ty nước ngoài, điển hình là Trung Quốc”, ông Phúc nói.
Theo một số chuyên gia, tăng cường cơ hội, giảm thiểu rủi ro là chiến lược phát triển lâu dài cho mỗi DN và cả ngành gỗ của Việt Nam trong tương lai. Loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc từ NK, thay thế bởi các nguồn gỗ nguyên liệu ‘sạch’ là nhu cầu cấp bách.
Điều này không những nhằm đáp ứng với các yêu cầu hiện nay từ các thị trường XK quan trọng truyền thống của Việt Nam mà còn góp phần chuẩn bị sẵn sàng cho ngành gỗ Việt Nam trong việc đáp ứng với các yêu cầu mới tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tương lai. Để làm điều điều này cần có sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng DN và cơ chế kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý cấp trung ương lẫn địa phương.