Xuất khẩu mây, tre: Năng lực nhỏ cản tiềm năng lớn
Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng với công nghệ lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp nhu cầu thị trường thế giới…, XK các mặt hàng mây, tre Việt Nam đang vấp phải không ít khó khăn. Dự kiến, nếu giải khó kịp thời, tới năm 2020, giá trị XK các mặt hàng này kỳ vọng sẽ đạt mức 1 tỷ USD.
XK dưới 3% thị phần thế giới
Theo số liệu của Cục XNK (Bộ Công Thương), sản phẩm mây tre Việt Nam đã XK sang hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Úc, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Tây Ban Nha,… Trong đó, thị trường Mỹ chiếm đến trên 19% thị phần và thị trường Nhật Bản cũng chiếm gần 17% thị phần. Bình quân mỗi năm, kim ngạch XK sản phẩm chế biến từ mây, tre đạt khoảng 200 triệu USD. Riêng 11 tháng đầu năm 2013, kim ngạch XK mặt hàng này đạt trên 207 triệu USD. Tuy nhiên, lượng mây, tre Việt Nam XK còn rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 3% thị phần của thị trường thế giới.
Hiện nay, thị trường tre, luồng thế giới đang có tính cạnh tranh cao. Báo cáo của Chương trình tre Mekong cho thấy, thị trường tre, luồng thế giới năm 2013 đạt xấp xỉ 15 tỷ USD và dự đoán đến năm 2017 sẽ đạt 17 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm truyền thống đang bị canh tranh gay gắt nên tốc độ tăng trưởng có chiều hướng chậm lại. Nhóm các sản phẩm mới, sản phẩm chế biến công nghiệp đang có tiềm năng phát triển. Đây là cơ hội lớn cho các DN chế biến tre công nghiệp.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: Nước ta có 88 DN chế biến tre, trúc với năng lực chế biến 250.000 tấn/năm, 40 công ty chế biến mây, công suất 4.000 m3/năm. Tham gia chế biến còn có 713 làng nghề mây tre, tạo việc làm cho gần 400.000 lao động. Tuy nhiên, các DN trong nước chưa nắm vững thị hiếu và nhu cầu của nước NK. Bằng chứng là, trong khi các nước phát triển thường ưa chuộng các sản phẩm đơn giản, có tính hình khối thì các sản phẩm thủ công và thủ công mỹ nghệ Việt Nam thường rườm rà, nhiều chi tiết và lắm góc cạnh, uốn lượn nên khó có thị trường bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu chung cho các sản phẩm tre Việt Nam, cũng như các thương hiệu riêng cho từng loại sản phẩm, từng DN nên khó cạnh tranh được với các quốc gia khác.
Thay đổi cơ cấu sản phẩm
Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: Việt Nam đang thiếu chiến lược phát triển bền vững cho các ngành nghề thủ công mỹ nghệ nói chung, nhất là mặt hàng mây, tre thua kém nhiều nước trong khu vực. Trên thực tế, nhiều chính sách phát triển các mặt hàng mây, tre, nứa, lá đề ra thiếu thực tế, không sát với sản xuất gây bức xúc cho DN. Đặc biệt, phong trào phát triển “mỗi làng một sản phẩm - OVOP” (nhóm hàng thủ công nông nghiệp) còn mang tính hình thức, phong trào và mạnh ai nấy làm.
“Do phát triển tự phát, phân tán, mẫu mã đơn điệu, công nghệ lạc hậu, nhiều làng nghề truyền thống của Việt Nam không thể cạnh tranh với thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, do thiếu vốn, thị trường bấp bênh, nguồn nguyện liệu không ổn định, lực lượng lao động trẻ tìm nghề có thu nhập cao hơn nên không ít làng nghề rơi vào sản xuất cầm chừng”, ông Dần nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) bổ sung: Phát triển mây, tre hiện còn gặp khó về chính sách. Mặc dù thời gian qua, một số chính sách liên quan đến phát triển mây, tre được ban hành như: Bộ NN&PTNT có Đề án bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ giai đoạn 2006-2020; Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg về khuyến khích phát triển ngành mây tre, nhưng hiện Nhà nước vẫn chưa có chính sách riêng hỗ trợ cây mây tre, mà vẫn chỉ lồng ghép trong các văn bản chính sách nông nghiệp chung.
Theo ông Thừa, để tham gia vào thị trường thế giới một cách mạnh mẽ và tương xứng với tiềm năng, ngành chế biến mây, tre cần phải nhanh chóng thay đổi cơ cấu sản phẩm một cách hợp lý. Trong tương lai, cơ cấu sản phẩm của ngành chế biến mây, tre nên là 30% cho các sản phẩm truyền thống và 70% sản phẩm thuộc nhóm các sản phẩm mới như tre ép khối, ván sàn tre, tấm lót đường từ tre,… “Với cơ cấu sản phẩm này, chẳng những các sản phẩm mây, tre sẽ nhanh chóng tiếp cận được các thị trường tiềm năng, nhất là các thị trường của các nước đang phát triển mà số lượng và giá trị của các sản phẩm này cũng nhanh chóng được tăng lên”, ông Thừa nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển sản xuất và kinh doanh XK mây, tre bền vững trước hết Nhà nước định hướng tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo nghề, xây dựng đội ngũ nghệ nhân. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện, hỗ trợ cần thiết để các DN liên kết, liên doanh xây dựng vùng nguyên liệu (giao đất lâm nghiệp ổn định và lâu dài, tham gia các chương trình/dự án trồng rừng sản xuất…) để ổn định sản xuất. Về phía các DN, cần tự xây dựng chiến lược thị trường, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, chủ động tìm hiểu thị trường để đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… cần tìm kiếm thị trường tiềm năng mới.