Xuất khẩu nông sản tỷ USD “lao dốc”
Trái với tốc độ tăng trưởng tích cực trong XK toàn ngành nông, lâm, thủy sản nói chung, từ đầu năm đến nay, giá trị XK một số mặt hàng nông sản chủ lực lại rơi vào tình trạng sụt giảm đáng kể.
Giá trị xuất khẩu giảm mạnh
Từ trước tới nay, hồ tiêu, cà phê hay chè là những mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam, đem về hàng tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, quý I năm nay, tình hình XK được ghi nhận khá ảm đạm khi giá trị giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy: Lũy kế hết tháng 3, XK tiêu ước đạt 54 nghìn tấn và 203 triệu USD, tăng 5,5% về khối lượng nhưng giảm 37,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá tiêu XK bình quân 2 tháng đầu năm chỉ đạt 3.822 USD/tấn, giảm 44,7% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường XK tiêu lớn nhất trong 2 tháng đầu năm là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất với 43,5% thị phần. Ở thị trường nội địa, giá hồ tiêu biến động giảm mạnh trong tháng 3 với mức giảm là 9.000 - 10.000 đ/kg. Giá tiêu tại Đắc Lắk – Đắc Nông, Gia Lai hiện là 53.000 đ/kg. Giá tiêu tại Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Nai là 54.000 đ/kg. Đây là các mức giá chỉ bằng 1/2 cùng kỳ năm trước, bằng 1/4 giữa năm 2016 và là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Quý đầu năm, XK cà phê cũng không mấy khả quan khi ước đạt 520 nghìn tấn và giá trị 1 tỷ USD, tăng 15,1% về khối lượng nhưng giảm 1,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tương tự hồ tiêu, giá cà phê XK bình quân 2 tháng đầu năm cũng theo chiều đi xuống, đạt 1.945 USD/tấn, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tại thị trường nội địa, giá cà phê tính chung trong quý I giảm khoảng 100-300 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2017.
Cùng chung cảnh giảm sút giá trị XK với hồ tiêu, cà phê, 3 tháng đầu năm, XK chè ước đạt 25 nghìn tấn và 39 triệu USD, giảm 9,7% về khối lượng và giảm 4,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tuy vậy, giá chè XK bình quân 2 tháng đầu năm lại khả quan hơn khi đạt 1.559 USD/tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Cung vượt cầu, chất lượng kém
Nhìn nhận về sự sụt giảm trong XK kể trên, đáp lại câu hỏi của phóng viên Báo Hải quan, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Trần Văn Công cho hay: Với cà phê, quý đầu năm, giá cà phê thế giới giảm trung bình 14% so với cùng kỳ năm trước, tác động tới giá cà phê của Việt Nam. Ngoài ra, một số nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Indonesia đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Tín hiệu về nguồn cung dồi dào làm tăng nguồn cung cà phê thế giới cũng gây ảnh hưởng đến giá bán. “Nguyên nhân chủ quan tác động tới sự sụt giảm kim ngạch XK cà phê 3 tháng đầu năm liên quan đến chất lượng cà phê. Dù Việt Nam có cà phê ngon nhưng một số khâu chưa tốt, đặc biệt là khâu thu hái, phơi sấy, chế biến chưa đảm bảo”, ông Công nói.
Với mặt hàng chè, theo ông Công, ngoài yếu tố cung vượt cầu, mấu chốt là bởi chè XK Việt Nam có phẩm cấp thấp, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Hiện nay, XK chè phụ thuộc khá lớn vào thị trường Pakistan. Trong khi đây là thị trường thiếu sự ổn định về chính trị, gây ảnh hưởng tới nguồn cầu. Ngoài ra, một số thị trường XK khác như Trung Quốc, Đài Loan có thay đổi lớn, đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng cũng là yếu tố dẫn đến XK chè có sự sụt giảm.
Riêng với hồ tiêu, ông Công nhìn nhận câu chuyện đã khá rõ ràng. Tiêu mất giá do sản xuất vượt quy hoạch quá lớn. Hiện, diện tích hồ tiêu trên thực tế đã vượt gần 3 lần diện tích quy hoạch. Ngoài ra, dù có năng suất tương đối cao so với các nước nhưng chất lượng hồ tiêu có phần không ổn định cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến giá XK của Việt Nam.
Ông Công phân tích: Thời gian tới, thị trường cà phê thế giới sẽ chịu sự tác động trực tiếp từ nguồn cung toàn cầu. Dự báo, giá XK cà phê sẽ khó tăng lên. DN khó chọn được thời điểm giá cao để bán ra. Bởi vậy, việc thu mua tạm trữ cà phê cần tính toán kỹ.
Nhắc tới cây tiêu, theo ông Công, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là sẽ xây dựng mô hình liên kết từ nhà khoa học, nông dân, DN làm sao để có nguồn tiêu chế biến nhiều hơn, gia tăng giá trị trong thời gian tới.
Liên quan tới câu chuyện phát triển bền vững mặt hàng “vàng đen” là hồ tiêu, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Văn Đức bổ sung thêm: Riêng về diện tích trồng tiêu, để từng bước quản lý chặt chẽ hơn, Bộ NN&PTNT sẽ yêu cầu các địa phương rà soát toàn bộ diện tích hồ tiêu, tuyên truyền, vận động nông dân không tăng diện tích trồng mới; ngừng trồng tái canh đối với các diện tích già cỗi, bị nhiễm bệnh nặng; xác định cây trồng phù hợp để hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả hơn…