Xuất khẩu phân bón: Lấy lại đà tăng trưởng
Sau khi suy giảm cả lượng và trị giá trong tháng đầu năm 2017, XK phân bón đã lấy lại “phong độ”, đặc biệt tại thị trường các nước ASEAN.
Bước sang tháng 2, tốc độ XK phân bón đã tăng 59,5% về lượng và 62,6% về trị giá, đạt lần lượt 82,4 nghìn tấn, kim ngạch 23 triệu USD, nâng lượng và kim ngạch XK mặt hàng này 2 tháng đầu năm 2017 lên 134 nghìn tấn, trị giá 37,2 triệu USD, tăng 90,91% về lượng và 76,52% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Các nước châu Á tiếp tục là thị trường XK chính của Việt Nam, trong đó Campuchia vẫn là thị trường chủ lực, chiếm 29,7% tổng lượng phân bón XK, đạt 39,8 nghìn tấn, trị giá 12,9 triệu USD, tăng 167,21% về lượng và 164,72% về trị giá, đây cũng là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh vượt trội. Bên cạnh đó, XK sang Lào cũng tăng trưởng khá, tăng 153,51% về lượng và 140,68% về trị giá, tuy chỉ đạt 6,4 nghìn tấn, trị giá 1,7 triệu USD.
Đối với thị trường Malaysia, tuy lượng nhập khẩu đứng thứ hai sau Campuchia, đạt 24,4 nghìn tấn, trị giá 4,4 triệu USD, nhưng lại có kim ngạch tăng trưởng khá, tăng 127,48% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, XK phân bón sang Nhật Bản tuy chỉ đạt 517 tấn, trị giá 97,2 nghìn USD, nhưng lại có tốc độ tăng mạnh vượt trội, tăng 237,91% về lượng và 114,71% về trị giá.
Là một trong những doanh nghiệp đã 15 năm XK phân bón sang Campuchia, ông Lê Quốc Phong - Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền - chia sẻ, XK phân bón đã tăng trở lại do nhiều loại hàng chủ lực như: Urê, NPK… sản xuất trong nước, không những đủ đáp ứng cho nhu cầu nội địa mà còn dư thừa. Chính vì vậy, công ty đã từng bước đẩy mạnh XK sản phẩm phân bón Đầu Trâu xâm nhập sâu vào thị trường này. Từ mức tiêu thụ 2 ngàn tấn năm 2002, đến nay sản lượng tiêu thụ đã tăng lên hơn 100 ngàn tấn/năm. Từ vài tỉnh ven biên giới giáp Việt Nam cho đến thời điểm này, phân bón Đầu Trâu đã có mặt, duy trì lượng tiêu thụ ổn định tại 26/26 tỉnh, thành phố ở Campuchia, đem về trên 50 triệu USD cho đất nước.
Ông Vũ Thịnh Cường - Tham tán thương mại, cơ quan thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia - khẳng định: “Là doanh nghiệp sản xuất phân bón có thương hiệu và uy tín tại Việt Nam, với chiến lược sản xuất, kinh doanh đúng đắn, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã mang lại lợi ích cho nông dân, đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại song phương giữa hai quốc gia”.
Không chỉ có Bình Điền, Đạm Phú Mỹ cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh XK Urê Phú Mỹ sang thị trường Malaysia, Myanmar, Thái Lan - những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn về chất lượng, tính cạnh tranh về giá cũng như đa dạng trong đóng gói. Đáng chú ý, Đạm Phú Mỹ đã chinh phục các thị trường khó tính, có yêu cầu khắt khe về chất lượng như New Zealand, Jordan…
Để cơ cấu lại sản sản xuất và tập trung cho XK, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - cho rằng, doanh nghiệp nên đầu tư khai thác các sản phẩm mới mà Việt Nam đang thiếu như: Sản xuất phân bón SA, phân Kali để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng, giảm thiểu lượng phân bón nhập khẩu. Còn riêng với phân Urê, hiện tại sản xuất trong nước đã dư thừa; phân bón NPK cũng đáp ứng thị trường và hướng tới đẩy mạnh XK.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, để tránh tồn kho, bên cạnh việc tiêu thụ trong nước, các doanh nghiệp cần tính đến bài toán XK. Có như vậy sẽ ổn định đầu ra cho sản xuất và hạn chế các tác động bất lợi từ sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường trong nước.
Nguồn: Báo Công Thương