Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Xuất khẩu sang EU: Điều kiện để đồ gỗ Việt Nam hưởng ưu đãi

                                    

                                               Nhiều cuộc hội thảo về xuất khẩu đồ gỗ đã được tổ chức tại Việt Nam

Vinanet - Quy tắc xuất xứ trong hiệp định thương mại tự do nói chung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU nói riêng (EVFTA) là điều kiện để sản phẩm của Việt Nam được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu (XK) sang EU. Đây là thông lệ quốc tế, chắc hẳn EU là một trong những nhà khởi xướng, góp công hoàn thiện.
Áp dụng quy tắc xuất xứ cho ngành gỗ
Thực hiện nghiêm quy tắc xác định xuất xứ không chỉ giúp doanh nghiệp hưởng ưu đãi mà còn khẳng định tên tuổi, thương hiệu trong bối cảnh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lẩn tránh xuất xứ lan tràn. “Quy tắc xuất xứ” trong EVFTA - thoạt nghe có vẻ phức tạp - nhưng đây là nội dung của một hiệp định thương mại thế hệ mới. Việc đáp ứng quy tắc xuất xứ không dễ, song vượt qua cửa ải này, hàng Việt sẽ chững chạc trên thương trường.
Những năm qua, ngành gỗ Việt Nam phát triển toàn diện về quy mô - tốc độ - kỹ mỹ thuật - năng lực XK. Từ lúc nhọc nhằn “kéo cưa lừa xẻ”, nay nhiều công đoạn đã có điện - cơ thay sức người. Ban đầu đồ gỗ thường ở dạng mộc, nay có sản phẩm còn là tác phẩm nghệ thuật. Chỉ nhìn qua ảnh, nghệ nhân đã có thể phục chế đồ gỗ thời cổ của châu Âu. Đồ gỗ thuần bằng gỗ đã đẹp, nay xen ghép kim loại màu, đá hoa, da, độ thẩm mỹ, sự sang trọng, giá trị được nhân lên, kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ với tài hoa, nối quá khứ với hiện tại.
Việt Nam là một trong 15 quốc gia XK đồ gỗ hàng đầu thế giới và luôn xuất siêu. XK đồ gỗ vào EU cũng vậy, bình quân giai đoạn 2000 – 2015 tăng 10,8%/ năm về kim ngạch và liên tục xuất siêu. Dù mới đáp ứng khoảng 3,6% nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của EU, song sức cạnh tranh đang dần cải thiện.
Tuy nhiên, 97% doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ của Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu bán sang các thị trường láng giềng giá rẻ. Họ mua sản phẩm thô rồi trau chuốt tái xuất với giá ngất ngưởng.
Việc thiếu gỗ nguyên liệu còn đeo đẳng. Rừng tự nhiên đã đóng cửa. Gỗ rừng trồng khai thác ép thường từ 6-10 tuổi, thân nhỏ. Gỗ công nghiệp chưa đủ lấp chỗ trống. Gỗ từ các cây công nghiệp già cỗi có hạn. Lao đi tìm gỗ ngoại, mỗi năm phải nhập chừng 5 triệu m3. Việc nhập gỗ nguyên liệu khá bấp bênh vì các nước cũng bảo vệ rừng và hạn chế XK. Hiện Việt Nam cũng có quy định kiểm soát xuất xứ gỗ nhưng vì nhiều lý do việc chứng minh xuất xứ gỗ không hề dễ.
Thách thức từ hai phía
EU đứng hàng đầu thế giới về thiết bị chế biến gỗ, khi EVFTA có hiệu lực, giảm thuế nhập khẩu với thiết bị sẽ tạo “cú hích” đối với sản xuất đồ gỗ. Bên cạnh đó, với các quy chế liên quan đến gỗ nguyên liệu, Việt Nam có thể nhập khẩu gỗ nguyên liệu hợp chuẩn theo EVFTA từ quốc gia thứ ba để tác thành đồ gỗ tại nội địa và vẫn được hưởng ưu đãi từ EVFTA khi XK sang EU, phần nào giúp giải “cơn khát” về nguyên liệu, yên tâm về xuất xứ.

                                  

 Bên cạnh đó, tương tự với các ưu đãi dành cho mọi hàng hóa XK vào EU, đồ gỗ còn được hưởng chuỗi ưu đãi khác như: Thuận lợi hóa hải quan và thúc đẩy thương mại; giảm thuế; được quyền tham gia và tiếp cận bình đẳng trên thị trường; chính sách, thể chế được cải thiện; minh bạch hóa quy trình xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mai; cam kết sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý được tăng cường. Cuối cùng, các cam kết tạo thuận lợi dịch chuyển nhân lực sẽ tạo ra sự chọn lọc tự nhiên, bật ra “hạt nhân” kỹ thuật cao, tay nghề giỏi, nhạy bén thương trường, tụ hội nơi “đất lành chim đậu”.
Để đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp cho sản phẩm XK sang EU phải giải trình được nguồn gốc gỗ với nhiều thủ tục, căn cứ pháp lý tầm châu lục, thực hiện nghiêm ngặt không chỉ với gỗ mà cả vật liệu đóng gói bằng gỗ, ván ép từ mùn cưa, mùn dừa. Hồ sơ phải lưu giữ ít nhất 5 năm, sẵn sàng xuất trình khi bị kiểm tra. Với thực trạng đa số doanh nghiệp của Việt Nam thì các yêu cầu đó là gánh nặng thực sự.
Hai mức thuế Việt Nam đang áp dụng với gỗ nhập khẩu được xóa bỏ ngay sau khi EVFTA có hiệu lực tạo ra hiệu ứng trái chiều. Với việc xóa thuế đối gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ EU mặc nhiên tạo thuận lợi. Các quy chế về việc Việt Nam có thể nhập khẩu gỗ nguyên liệu hợp chuẩn từ quốc gia thứ ba… như nêu trên, cũng mang lại cơ hội. Song, xóa thuế với đồ gỗ nhập khẩu từ EU lại phản hiệu ứng ngược lại. Tuy biên độ giảm thuế đối với đồ gỗ nhập khẩu từ EU không nhiều nhưng cũng đủ để hút sức mua vào đồ gỗ “mốt Tây”, gây khó cho đồ nội.
Nỗ lực hết mình
Quy tắc xuất xứ trong EVFTA được mô tả rất chi tiết. Các doanh nghiệp phải tìm hiểu, nắm vững yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch, chứng minh nguồn gốc xuất xứ; chủ động tìm nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp; tuân thủ các định chế thương mại, cẩn trọng ký kết, nghiêm túc thực hiện hợp đồng; hiểu rõ quy trình giải quyết tranh chấp, liên kết, phối hợp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cả cộng đồng; đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng; hướng tới nền sản xuất “xanh” bằng dây chuyền hiện đại, khép kín, sát sao kiểm tra; xây dựng thương hiệu; tăng sức cạnh tranh; lưu trữ chứng từ; liên doanh với doanh nghiệp FDI từ EU vào Việt Nam.
Trong suốt hành trình trên, các cấp quản lý hợp sức với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, đồng hành với doanh nghiệp một cách tận tình và đặc biệt là không châm chước, mới hy vọng cùng đạt được lợi ích căn bản, lâu dài.
                                                                                                    Nguồn: Nguyễn Duy Nghĩa/Báo Công Thương điện tử

TAGS :

viet-nam-xuat-khau-go-vao-EU xuat-khau xuat-khau-go