Xuất khẩu sang EU: Tận dụng tối đa thị trường ngách
EU đã có động thái gia tăng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm bảo hộ thị trường nội khối trước sự kiện một số quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam sắp được công nhận có nền kinh tế thị trường. Điều này đã tăng độ khó cho bài toán đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU.
Rào cản gia tăng
Theo ông Trần Ngọc Quân - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) - EU vốn là thị trường nổi tiếng khó tính với nhiều quy định kỹ thuật khắt khe. Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực với những nới lỏng về thuế quan, các nước trong khối sẽ áp dụng nhiều hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường của mình. “Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật này thì cho dù được hưởng nhiều ưu đãi, hàng hóa của Việt Nam vẫn sẽ không thể vào được EU” - ông Quân nhấn mạnh.
Thực tế đã có những bài học nhãn tiền về việc vi phạm các, tiêu chuẩn kỹ thuật, để lại hệ lụy lớn. Tháng 10/2017, Việt Nam đã bị cảnh báo thẻ vàng với hải sản khai thác xuất khẩu vào EU. Lệnh cảnh báo này có hiệu lực trong vòng 6 tháng. Nếu không đáp ứng các quy định, từ thẻ vàng EU sẽ chuyển sang thẻ đỏ, đồng nghĩa Việt Nam sẽ không được xuất khẩu hải sản sang EU nữa.
Mới đây, Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua quy định mới trong Luật Phòng vệ thương mại với các sửa đổi về phương pháp xác định giá trị bình thường của một sản phẩm và ước tính thiệt hại đối với một ngành sản xuất nội khối do hành vi bán phá giá của nước ngoài. Quy định này cho phép EU tiếp cận với cách tính và đánh giá về giá của nước xuất khẩu có theo cơ chế thị trường hay không. Đây là động thái của EU nhằm bảo hộ sản xuất trong nước trong bối cảnh Trung Quốc, Việt Nam sắp được đưa ra khỏi danh sách các quốc gia có nền kinh tế phi thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải tuân thủ thêm những quy định mới về giá thành sản xuất…
Thâm nhập thông qua thị trường ngách
Theo ông Trần Ngọc Quân, EU là thị trường lớn với 28 nước thành viên, tuy liên thông nhưng mỗi thị trường lại có đặc điểm, nhu cầu và sở thích tiêu dùng khác nhau. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu quy mô nhỏ và vừa khó có đủ năng lực sản xuất các mặt hàng có thể xuất được sang cả 28 nước. Vì vậy, doanh nghiệp nên tiếp cận ổn định từng thị trường. Đặc biệt, các nước Đông Âu vốn là thị trường truyền thống cũ, có nhiều người Việt Nam sinh sống là đường dẫn tốt cho hàng hóa của Việt Nam vào sâu hơn nữa thị trường EU.
Cùng đó, để có thể tận dụng được các ưu đãi từ EVFTA, cần sự chuẩn bị đồng bộ từ Chính phủ, DN và cả người sản xuất ở tầm cơ bản. Theo đó, các cơ quan quản lý phổ biến tuyên truyền sâu rộng về các yêu cầu kỹ thuật đi kèm hiệp định. Hướng dẫn DN, người nông dân, công nhân hiểu và nắm được quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn. Tốt nhất, trong từng ngành hàng, Chính phủ phối hợp với các hiệp hội đưa ra bộ quy tắc sản xuất, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn Iso toàn bộ vòng đời sản phẩm, bảo đảm có thể trích xuất bất cứ một công đoạn nào khi có yêu cầu.
Với kinh nghiệm 15 năm xuất khẩu bông, vải, sợi sang thị trường EU, bà Nguyễn Thị Thu Hương- Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại Sao Vàng Việt - chia sẻ: Doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ năng lực đầy đủ, chi tiết đáp ứng tất cả các yêu cầu của EU và yêu cầu của từng quốc gia thành viên.