Xuất khẩu sang thị trường Australia: Bài học từ những thất bại
Đã có không ít doanh nghiệp (DN) Việt gặp thất bại khi giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Australia. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là, DN vừa thiếu thông tin thị trường, vừa không đủ sức quản lý chuỗi hàng hóa
Theo báo cáo của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Australia là thị trường có quy mô dân số nhỏ nhưng người tiêu dùng có thu nhập bình quân trên đầu người cao, cởi mở với hàng nhập khẩu, được đánh giá là rất tiềm năng cho các DN Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cho hay: Sau hơn 6 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia tăng trung bình 4,7%/năm. Trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch hai chiều đạt 4,72 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,41 tỷ USD, nhập khẩu hơn 2,31 tỷ USD. Chính phủ hai quốc gia đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 10 tỷ USD trong thời gian tới. Đặc biệt, ngày 24/8/2017, Chính phủ Australia đã chính thức công bố cho phép nhập khẩu thanh long của Việt Nam vào thị trường này sau trái vải và xoài. "Đến nay, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được phép nhập khẩu thanh long vào nước này" - ông Đỗ Kim Lang cho biết.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Phương Nga - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), mặc dù cởi mở với hàng hóa nhập khẩu nhưng Australia cũng có những quy định rất khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng, nhằm bảo vệ người tiêu dùng nội địa.
Trên thực tế, đã có không ít bài học thất bại của DN Việt khi giao thương hàng hóa với thị trường Australia. Tại Hội thảo "Thông tin thị trường Australia và một số quy định chung đối với hàng hóa nhập khẩu" do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức gần đây, đại diện một DN nhỏ và vừa thẳng thắn chia sẻ: Cách đây 2 năm, DN đã nhập khẩu bò sống từ Australia về phục vụ thị trường nội địa. Sau hơn 1 năm chuẩn bị với 18 loại giấy tờ, thủ tục, chuyến hàng đầu tiên từ cảng Darwin của Australia về Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi nhập khẩu được 2-3 chuyến, DN đã bị rút giấy phép. Nguyên do, đơn vị kiểm tra độc lập theo tiêu chuẩn giết mổ, chăn nuôi của Australia có đưa ra bằng chứng về việc giết mổ bò không theo tiêu chuẩn của nước này.
Bài học thứ 2 đến từ một hộ kinh doanh, muốn nhập khẩu lô hàng quả cherry của Australia để phục vụ thị trường dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới. Mặc dù đã chuẩn bị đủ nguồn vốn và có nhà cung cấp sản phẩm nhưng vẫn không thể nhập khẩu mặt hàng này do hộ kinh doanh không biết và chuẩn bị visa nhập khẩu.
Sau nhiều năm gửi hồ sơ và tiến hành xây dựng chuỗi sản xuất đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, từ năm 2016, vải thiều của Bắc Giang đã được xuất khẩu sang thị trường Australia. Tuy nhiên, vụ vải năm 2017 vừa qua, 2 tấn vải thiều đã bị hỏng khi sang tới thị trường nước này do công tác bảo quản không bảo đảm. Điều này đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhà sản xuất. Trước những thất bại trên, bà Nguyễn Thị Phương Nga khuyến cáo: Khi đưa hàng hóa sang Australia hoặc ngược lại, DN cần tìm hiểu kỹ các quy định liên quan tới về vấn đề kiểm dịch, mức ưu đãi thuế quan và các chi phí liên quan.
Để hỗ trợ DN, Bộ Công Thương cũng đã và sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; tìm hiểu thông tin thị trường; đưa DN sang làm việc trực tiếp với các nhà nhập khẩu hoặc hệ thống cơ quan liên quan của Australia để tìm hiểu các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa. "Thương vụ Việt Nam tại Australia là kênh cung cấp thông tin chính thống và cập nhật, sẵn sàng giúp DN tiếp cận nhanh và hiệu quả hơn với thị trường này" - bà Nguyễn Thị Phương Nga nói.