Xuất khẩu tạo “lực đẩy” cho GDP quý III
Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực cho nên tăng trưởng GDP đã có những bứt phá ấn tượng.
GDP đạt 6,41%: Nhờ xuất khẩu
Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực cho nên tăng trưởng GDP đã có những bứt phá ấn tượng. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu như quý I tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,15% thì sang quý II con số này là 6,28% và quý III ước đạt 7,46%, mức tăng trưởng được đánh giá là cao kỷ lục trong những năm gần đây, góp phần nâng tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2017 đạt 6,41%.
Bên cạnh ngành thuỷ sản (tăng trưởng trên 5%), tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ (9,2%), sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo (tăng trưởng 12%- mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây) đã đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến chế tạo là động lực chính cho sự tăng trưởng của XK.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch XNK của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 308,5 tỷ USD, tăng gần 21,5% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó kim ngạch hàng hóa XK ước tính đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 43,2 tỷ USD, tăng 16,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 110,8 tỷ USD, tăng 21%.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong nhiều năm qua, tăng trưởng XK đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân và giảm bớt lượng hàng tồn kho. Bên cạnh đó, tăng trưởng XK cũng góp phần quan trọng trong việc kiềm chế nhập siêu. “Sự tăng trưởng của XK trong 9 tháng qua góp phần không nhỏ cho sự tăng trưởng GDP”, ông Phương nói.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, XK của Việt Nam trong những tháng qua đã có sự phục hồi tốt khi tăng trưởng trên 19% do sự phục hồi của kinh tế thế giới khiến cho nhu cầu NK trên thế giới tăng hơn, tạo đà cho XK của Việt Nam tăng trưởng. Do đó, XK những tháng cuối năm cũng sẽ tiếp tục tăng và Bộ Công Thương đưa ra dự báo XK năm 2017 có thể đạt 202 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2016, vượt chỉ tiêu đề ra.
Cho đến thời điểm này, XK vẫn được coi là một trong những động lực chính giúp tăng trưởng GDP. Cho nên, với sự tăng trưởng này, ông Phương cho rằng, đây là điều đáng mừng và XK sẽ đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017.
Làm sao để giảm phụ thuộc
Tuy nhiên, nhìn một cách sâu xa hơn thì XK của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc lớn vào khối FDI. Chính vì thế, theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), giá trị GDP của Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực FDI, đặc biệt là một số công ty lớn như Samsung.
Trên thực tế, kim ngạch hàng hóa XK thực hiện tháng 8 đạt 19,767 tỷ USD là tháng đạt kim ngạch XK cao nhất từ trước đến nay, do Công ty Samsung ra mắt một số sản phẩm mới nên kim ngạch XK mặt hàng điện thoại và linh kiện, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng mạnh. Tuy nhiên, bước sang tháng 9, kim ngạch hàng hóa XK ước tính đạt 19 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước. Trước đó, năm 2016, Tập đoàn này đã gặp sự cố đối với sản phẩm điện thoại Samsung Galaxy Note 7. Sau thu hồi cũng và dừng sản xuất, Samsung đã mất khoảng 17 tỷ USD và sự cố này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo VEPR, biểu hiện sự phụ thuộc nêu trên là tỷ trọng XK của khu vực FDI tăng nhanh cho thấy Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực FDI. Cụ thể, nếu như năm 2009, XK của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng kim ngạch XK thì còn số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017.
Một số chuyên gia kinh tế khác thì cho rằng, khi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khối DN FDI sẽ khiến nền kinh tế mất tự chủ do nội lực ngày càng trở nên suy yếu. Do vậy, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn lại vấn đề này và có biện pháp để giảm sự phụ thuộc. Để tránh lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn FDI, việc thực hiện các biện pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực này là yếu tố sống còn.