Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Xuất khẩu thủy sản- một năm vượt khó

Chưa có năm nào các DN ngành thủy sản phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn như năm 2017,  nhưng đã vượt qua khó khăn, đưa kim ngạch xuất khẩu về đích ngoạn mục.

Chồng chất khó khăn

Liên tục trong một năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã đối diện với không ít khó khăn trong XK thủy sản, từ việc ảnh hưởng của truyền thông bôi nhọ, đến sự cạnh tranh nguyên liệu, các rào cản kỹ thuật của các nhà nhập khẩu, việc bị rút thẻ vàng liên quan bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong quá trình đánh bắt, khai thác…

Ngay từ đầu năm 2017, tại thị trường châu Âu, hình ảnh con cá tra Việt Nam bị giới truyền thông của các nước EU bôi nhọ, khiến cho người tiêu dùng châu Âu dè chừng hơn với con cá tra nhập khẩu của Việt Nam. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 1-2017, Đài truyền hình Cuatro (Kênh 4) Tây Ban Nha phát phóng sự đưa thông tin không chính xác về điều kiện vệ sinh, chất lượng nước ở sông Mekong và sản phẩm cá tra của Việt Nam, và có ý bôi nhọ hình ảnh cá tra của Việt Nam được nuôi trên dòng sông Mekong. Sau thời điểm phóng sự nêu trên được phát, từ đầu tháng 2/2017, một số hệ thống bán lẻ của EU đã thông báo ngừng bán các sản phẩm cá tra tại tất cả các cửa hàng do lo ngại tác động tiêu cực lên môi trường của các trại nuôi cá tra. Điều này làm cho sản lượng cá tra xuất khẩu sang đất nước này giảm 70%, một con số gây bất ngờ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Không những vậy, ngành cá tra cũng phải đối mặt với thuế chống bán phá giá của Mỹ. Mỹ là thị trường chiếm 20% giá trị xuất khẩu của cá tra Việt Nam, nhưng cũng là nơi có khả năng sản xuất cá da trơn tương tự như cá tra là cá nheo và cá tuyết.

Cũng vào thời điểm này, mặt hàng tôm XK của Việt Nam gặp khó khi Australia ban bố lệnh cấm nhập khẩu tôm chưa nấu chín.Với lệnh cấm kéo dài trong 6 tháng đầu năm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu tôm. Điều này làm cho nông dân Mỹ cạnh tranh mạnh với cá tra Việt Nam, đã buộc Bộ Nông nghiệp Mỹ phải lập rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại đối với các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là cá tra của Việt Nam.

Và gần đây nhất là EU đã áp dụng thẻ vàng IUU cảnh báo đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, kiểm tra gắt gao truy xuất nguồn gốc đối với hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam

Những rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn môi trường đã gây thiệt hại không ít cho ngành chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Từ tháng 11/2017, XK thủy sản sang các thị trường chủ lực cũng có xu hướng tăng chậm lại hoặc giảm nhẹ. Trong đó, XK sang EU có dấu hiệu chững lại rõ rệt nhất. Dự báo XK sang EU sẽ tiếp tục giảm tăng trưởng trong tháng 12 và những tháng tới sau khi EU phạt thẻ vàng IUU cảnh báo đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.

Về đích ngoạn mục

Liên tục phải chịu những rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, với việc phát huy lợi thế và gia tăng giá trị sản phẩm qua chế biến, ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng và đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Đến nay, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 161 thị trường trên thế giới. Nhờ ký các hiệp định thương mại, thủy sản Việt Nam có lợi thế về thuế quan nhưng sẽ là đối tượng để các thị trường áp dụng các rào cản phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong năm 2017, Trung Quốc mở rộng đường đi cho tôm nhập khẩu bằng cách hạ mức thuế nhập khẩu từ 5% xuống còn 2%, đây cũng là mức thuế gần bằng với việc nhập khẩu con cá tra Việt Nam.

Trước những thách thức kể trên trong một năm qua, các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã phải đoàn kết để tìm hướng đi, chinh phục thị trường cho từng ngành hàng cụ thể. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,6 tỉ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2016. Dù giảm sút ở thị trường dẫn đầu là Mỹ (giảm 1,7%) nhưng 4 thị trường lớn tiếp theo là châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đạt mức tăng trưởng trên 20% giúp thủy sản xuất khẩu cả năm 2017 có thể đạt hơn 8,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2016. Có thể thấy rằng, đây là một nỗ lực rất lớn trong một năm đầy những thách thức lớn, khó có thể xoay chuyển.

Thủy sản là một trong 9 mặt hàng đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý để mở rộng thị trường, quảng bá đến người tiêu dùng khắp thế giới, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao cho người sản xuất. Để có thể hỗ trợ đắc lực hơn cho ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản, ngày 21/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản sửa đổi. Trong đó, Luật Thủy sản đã quy định rõ ràng và cụ thể các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp để ngư dân và các đơn vị quản lý tàu cá tại các địa phương có hoạt động khai thác, đánh bắt căn cứ thi hành. Quyền quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được nhà nước chính thức giao cho cộng đồng. Đây là phương thức quản lý mới đã được áp dụng tại nhiều quốc gia nuôi trồng, khai thác và đánh bắt thủy sản; đồng thời sẽ là tiền đề pháp lý quan trọng để thủy sản Việt Nam rộng đường ra nước ngoài.

TAGS :