Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Xuất khẩu TP. Hồ Chí Minh đạt trên 35 tỷ USD trong năm 2017

Nhờ thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, trong năm 2017, các chỉ số sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh đều hoàn thành kế hoạch đề ra.

Công nghiệp tăng trưởng khá

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, năm 2017, ngành Công Thương thành phố tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong đóng góp cho tăng trưởng kinh tế (GRDP) của thành phố khi đạt giá trị gia tăng 356.552 tỷ đồng (chiếm 33,62% GRDP của TP. Hồ Chí Minh).

Thống kê của Sở Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành Công Thương trong năm 2017 tăng khoảng 8,4% so với năm 2016, xấp xỉ chỉ tiêu kế hoạch được giao là 8,5%. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,5% (chỉ tiêu giao tăng 8,1-8,2%), 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 13,9% - cao hơn mức bình quân toàn ngành và vượt chỉ tiêu kế hoạch 2017 (chỉ tiêu tăng 8,4%).

Phân theo nhóm ngành, ngành cơ khí (chiếm khoảng 17,2% giá trị sản xuất toàn ngành) có chỉ số IIP tăng khoảng 8%. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm (chiếm khoảng 18,5% giá trị sản xuất toàn ngành) có chỉ số IIP tăng 4,5% (thấp hơn mức tăng 2016 là 11,88%) do nhu cầu thị trường không có nhiều biến động lớn. Đây cũng là ngành hàng tiêu dùng thiết yếu đang phải cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu và chịu tác động của lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu bia.

Ngành hóa chất, nhựa, cao su (tỷ trọng khoảng 19,7%) có chỉ số IIP tăng 2,1% so với 2016 (năm 2016 tăng 1,7%). IIP của ngành phục hồi và tăng trưởng trở lại do các doanh nghiệp hóa chất, cao su đẩy mạnh sản xuất, phuc vụ cho các đơn hàng cuối năm (đơn hàng tăng khoảng 10%).

Các sản phẩm điện tử (chiếm tỷ trọng khoảng 4,4%) có chỉ số IIP tăng 41,2% - và là ngành có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong năm 2017, đặc biệt từ tháng 8 đến nay tăng trên 30% nhờ việc tiếp thu, áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật ở trình độ cao từ các dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử... Tuy nhiên, theo Sở Công Thương, dù có mức tăng trưởng cao nhưng ngành này vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của thành phố bởi tỷ trọng còn thấp.

Xuất khẩu tăng và chuyển dịch theo đúng định hướng

Trong lĩnh vực xuất khẩu, năm 2017 ước kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước đạt trên 35 tỷ USD, tăng 15,1% so với năm 2016. Phân theo khu vực, năm 2017 tiếp tục ghi nhận sự đóng góp chủ yếu của nhóm doanh nghiệp FDI (tỷ trọng tăng dần từ 59% trong 2016 lên 61,4% năm 2017) và nhóm này chiếm lĩnh hầu hết các sản phẩm chủ yếu của thành phố.

Đáng chú ý, trong năm 2017 cũng có sự chuyển dịch cơ cấu giữa các nhóm ngành phù hợp với mục tiêu và định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Theo đó, nhóm nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt kim ngạch khoảng 4,81 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ và nhóm này đang theo xu hướng giảm dần tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu (năm 2015 chiếm tỷ trọng 18,4%, năm 2016 là 16,4% và 2017 đã giảm xuống 16%).

Nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng 75,6% có kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 22,6 tỷ USD, tăng 12,1%. Trong nhóm này hầu hết các mặt hàng đều có kim ngạch tăng trừ dệt may. Các nhóm hàng hóa khác chiếm tỷ trọng khoảng 8,4% có kim ngạch 2,51 tỷ USD, tăng 29,6% so với năm 2016.

Về cơ cấu thị trường, trong năm 2017 các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch xuất khẩu sang các nước mà Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại (FTA). Qua số liệu cho thấy, thị trường xuất khẩu có FTA đều tăng trưởng so với cùng kỳ (EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc...).

TAGS :