Xuất khẩu xi măng khởi sắc
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, đầu năm 2018, xuất khẩu (XK) xi măng và clinker ra thị trường nước ngoài tăng mạnh.
Tín hiệu vui
Tháng 1/2018, XK xi măng và clinker ra thị trường nước ngoài tăng 121% về lượng, tăng 112% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; đạt 2,9 triệu tấn, tương đương 101,12 triệu USD.
Trong số 12 thị trường chủ yếu XK xi măng, clinker của Việt Nam, XK sang Bangladesh nhiều nhất (31,3%) và chiếm trên 27,6% trong tổng kim ngạch, với trên 909.109 tấn, trị giá 27,94 triệu USD (tăng 40,5% về lượng và tăng 45,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017). Philippines là thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 (20%); chiếm trên 25,8% trong tổng kim ngạch, đạt 580.864 tấn, trị giá 26,06 triệu USD (tăng 114,9% về lượng và tăng 85,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017). Tiếp đó là thị trường Trung Quốc với kim ngạch XK tháng 1/2018 đạt 758.555 tấn, trị giá 23,96 triệu USD, chiếm 26% trong tổng lượng XK xi măng, clinker của cả nước và chiếm trên 23,6% trong tổng kim ngạch.
Theo đánh giá của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, nhìn chung, XK xi măng, clinker trong tháng đầu năm nay sang hầu hết các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất sang Đài Loan tăng mạnh nhất, tăng 545,6% về lượng và tăng 470,5% về kim ngạch; đạt 161.407 tấn, trị giá 4,88 triệu USD. Xuất sang Malaysia tăng 109,3% về lượng và tăng 91,4% về kim ngạch, đạt 65.292 tấn, trị giá 2,03 triệu USD.
Triển vọng tăng trưởng
Theo ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam - năm 2018, triển vọng thị trường xi măng XK Việt Nam sẽ tốt hơn. Được sự ủng hộ của Chính phủ, từ ngày 1/2/2018, XK xi măng áp dụng mức thuế 0% và được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) tại Nghị định số 146/2017/NĐ-CP. Trước đó, Nghị định 100/2016/NĐ - CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 quy định sản phẩm XK là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên thì không được áp dụng thuế suất 0% XK, dẫn đến XK xi măng bị áp thuế suất 5% và không được hoàn thuế VAT. Việc Chính phủ quyết định đưa thuế suất xi măng về 0% và hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp (DN) XK xi măng đã tạo điều kiện "cởi trói" cho DN. "Động thái này có lợi cho XK xi măng, clinker Việt Nam, đồng thời giúp cho giá XK xi măng tăng từ 5 - 7 USD/tấn từ cuối năm 2017 và những ngày đầu tháng 1/2018" - ông Nguyễn Quang Cung khẳng định.
Những yếu tố thuận lợi khác cho XK xi măng Việt Nam cũng được ông Nguyễn Quang Cung dẫn chứng, như sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc có tác động nhất định đến thị trường xi măng khu vực, bởi Trung Quốc đã quyết định giảm sản lượng toàn ngành sản xuất vật liệu xây dựng để bảo vệ môi trường. "Gần như Trung Quốc không XK xi măng, thay vào đó, Việt Nam lại bắt đầu XK được clinker sang Trung Quốc" - ông Nguyễn Quang Cung lý giải.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng đưa ra giải pháp: Năm 2018, mặc dù hướng đến mục tiêu thụ nội địa là chủ yếu, nhưng cũng cần tính toán đến chiến lược XK xi măng trong dài hạn để bảo đảm cung - cầu trong sản xuất. Trong tương lai, ngành xi măng Việt Nam sẽ hình thành các tập đoàn xi măng lớn tập trung cho XK thay vì nhiều DN nhỏ lẻ như hiện nay.
Dự báo, năm 2018, tiêu thụ xi măng nội địa tăng nhẹ (trên 3%), XK sẽ khả quan hơn, dự kiến vượt 18 triệu tấn.