Yêu cầu mới của nhân lực trong kỷ nguyên số
Sáng nay (15/5), đã diễn ra "Đối thoại Chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số" - đây là một trong những điểm nhấn trong các hoạt động của Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM-2) đang diễn ra tại Hà Nội, cũng như trong Năm APEC Việt Nam 2017.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu định hướng tại Đối thoại, cùng với sự tham dự của Bộ trưởng các Bộ phụ trách lao động và việc làm, đại diện các Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà hoạch định chính sách và các bên có liên quan trong nước và khu vực đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Đối thoại tập trung vào các lĩnh vực tương lai việc làm trong kỷ nguyên số hóa và tự động hóa những hàm ý chính sách dành cho thị trường lao động, các yêu cầu về giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mới và an sinh xã hội trong kỷ nguyên số.
Ứng dụng công nghệ và số hoá là cơ hội mới góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng kinh tế, tạo điều kiện cho việc ra đời, phát triển mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và tạo ra những cơ hội việc làm cho người lao động. Nhưng cũng đặt ra không ít thách thức mới do sự gia tăng của tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, chế tạo, và ngày càng có nhiều nhu cầu của các nghề, kỹ năng mới trước những thay đổi phát sinh trong thị trường lao động, quan hệ lao động.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung "Đối thoại Chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số" là bằng chứng về sự cam kết của chúng ta nhằm tăng cường, thúc đẩy hợp tác APEC phù hợp với nhu cầu phát triển và yêu cầu của người lao động cũng như của người sử dụng lao động. Thông qua đó nhằm vun đắp tương lai chung là một APEC năng động ổn định, đi đầu trong tăng trưởng, liên kết kinh tế toàn cầu, có khả năng thích ứng với biến đổi kinh tế tài chính..
Phát biểu chỉ đạo Đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, nguồn nhân lực ở bất kỳ thời gian nào cũng là yếu tố trung tâm, là động lực của phát triển. Điều này, thể hiện tầm quan trọng, ý nghĩa của Đối thoại. Trong kỷ nguyên số, sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với phát triển nguồn nhân lực và cần tạo điều kiện, phương tiện mới để thực hiện những yêu cầu đó.
Nhấn mạnh thêm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, điều đáng lưu ý là trong kỷ nguyên số này, công nghệ thông tin không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, mà còn là phương tiện kết nối, mở ra chân trời, thế giới mới để mọi người, mỗi người được tiếp cận, được chia sẻ, được giao lưu, được phát huy sáng tạo và khẳng định giá trị cá nhân của mình và đóng góp vào thành tựu chung, vào văn minh nhân loại. Theo Phó Thủ tướng, công nghệ thông tin giúp thị trường lao động được tổ chức, vận hành hiệu quả, tiết kiệm thời gian kết nối việc làm. Ở Việt Nam, từ nhiều năm duy trì hệ thống gần 130 trung tâm giới thiệu việc làm công lập, hàng năm tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 3 triệu lao động.
Gần đây cụm từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được nhắc đến rất nhiều, vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ, cuộc cách mạng này với nền tảng là công nghệ thông tin, với các khái niệm Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robotics hay xử lý dữ liệu, với đặc tính kết nối và tích hợp rất cao. Các nước APEC đã có những bước chuẩn bị như những chương trình công nghiệp, Internet hay là chương trình sáng kiến về chuỗi giá trị, chương trình sản xuất sáng tạo 3.0 ở Hàn Quốc hay chiến lược quốc gia về Internet vạn vật ở Malaysia.
Trong năm đăng cai APEC 2017, Việt Nam đã đề ra 4 ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. TS. Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC hy vọng có nhiều lãnh đạo thay đổi về quan điểm chống lại lợi ích của toàn cầu hóa. Các lãnh đạo cũng muốn tập trung vào vấn đề này nhiều hơn. Việt Nam đã có những ứng phó liên quan tới vấn đề này. “Có những vấn đề như cơ hội và thách thức như mất việc làm, lực lượng lao động đang già hóa và chúng ta đang phải hiệu chỉnh, có nhiều công việc sẽ xuất hiện trong nền kinh tế số dẫn tới tăng năng suất, cần phải có những dự báo về những diễn biến về công nghệ, đồng thời xem xét công việc của chúng ta trong kỷ nguyên mới”- TS. Alan Bollard nhấn mạnh.
Tại Đối thoại, các đại biểu và diễn giả đã thảo luận về những hàm ý của số hóa đối với việc làm tương lai, những thách thức và cơ hội mà nó sẽ mang đến cho người lao động, cộng đồng của họ. Thông qua các nội dung, đại biểu các nền kinh tế APEC sẽ xem xét Khung phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số nhằm đưa ra một loạt các chính sách và biện pháp thích hợp nhằm hỗ trợ các nền kinh tế chuẩn bị cho những người tham gia thị trường lao động về những thách thức và cơ hội trong việc làm hiện tại, tương lai. Khung này sẽ được báo cáo lên Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng.